Béo phì là một tình trạng bệnh lý rất phổ biến hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được mối quan hệ giữa khả năng sinh sản của nam và nữ giới với tình trạng béo phì. Chính vì thế, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số ảnh hưởng của béo phì đến hệ sinh sản của cả nam giới và nữ giới; mối liên quan giữa tính trạng béo phì dẫn đến hiếm muộn.
Béo phì là gì ?
Thừa cân béo phì là tình trạng chất béo trong cơ thể tích tụ bất thường hoặc quá mức, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index) để nhận định tình trạng gầy béo.
Chỉ số BMI còn được gọi là chỉ số khối lượng cơ thể. Dựa vào chỉ số BMI của một người có thể biết được người đó béo, gầy hay có cân nặng lý tưởng
Công thức tính chỉ số BMI tương đối đơn giản, chỉ dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng:
BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg.

Béo phì và khả năng sinh sản ở nam giới
Đầu tiên một số nghiên cứu cho thấy nam giới béo phì sẽ gặp một số rắc rối trong quan hệ vợ chồng do tư thế không được linh hoạt dẫn tới sự tự ti, giảm ham muốn tình dục và kết quả là giảm tần suất quan hệ vợ chồng.
Tiếp theo khi nam giới dư thừa nhiều mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ nội tạng sẽ làm tăng hoạt động của men aromatase và nồng độ estradiol – chất ức chế nội tiết tố sinh dục của tuyến yên ở nam giới làm ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh. Từ đó, làm giảm số lượng tinh trùng, khả năng di động của tinh trùng kém và tăng tình trạng rối loạn cương dương ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Bên cạnh đó, ở nam giới béo phì, bìu được bao quanh bởi một lớp mỡ thừa, cùng với lớp mỡ dày ở đùi làm tăng sinh nhiệt cũng góp phần làm giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng.
Ngoài ra béo phì gây ra nhiều bệnh lý nội khoa làm suy giảm chức năng của nội tạng, khiến cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, nặng nề và thường mắc bệnh lý đái tháo đường. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tinh trùng của người mắc bệnh đái tháo đường thường có dấu hiệu bị tổn thương. Vì những lý do này mà khả năng sinh sản của nam giới béo phì giảm hơn so với nam giới có trọng lượng cơ thể bình thường.

Béo phì và khả năng sinh sản ở nữ giới
Theo thống kê cho thấy, phụ nữ trong độ tuổi từ 18-40, nếu hàm lượng chất béo trong cơ thể vượt quá 10-15% thông thường thì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Lượng chất béo này gây ra dư thừa estrogen trong cơ thể phụ nữ, từ đó làm suy giảm chức năng hoạt động của buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Béo phì còn gây đề kháng insulin dẫn đến những chu kỳ hành kinh không rụng trứng.
Trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản, phụ nữ béo phì có liên quan đến tăng liều gonadotropin trong quá trình kích thích buồng trứng, số lượng noãn thu được ít hơn. Nguy cơ hủy chu kỳ do chất lượng noãn kém hoặc quá nhiều nang noãn (kích thích quá mức) cao hơn, tỷ lệ sẩy thai cao hơn và giảm tỷ lệ mang thai và trẻ sinh sống. Ngoài ra có thể suy giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung và sự phát triển và làm tổ của phôi. Vì vậy, việc giảm cân có thể cải thiện sự thành công của điều trị hỗ trợ sinh sản về số lượng noãn thu được, số lượng noãn trưởng thành phát triển và tỷ lệ mang thai.

Giảm cân cải thiện tình trạng hiếm muộn
Mặc dù không phải hầu hết người béo phì nào cũng vô sinh hoặc hiếm muộn, nhưng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở người béo phì sẽ cao hơn người có cân nặng bình thường. Nữ giới có cân nặng hợp lý với cơ thể giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định, tăng ham muốn của cả nam và nữ, khả năng có thai tự nhiên cao, giảm nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên việc giảm cân nói thì đơn giản nhưng để giảm cân thành công thì không dễ dàng. Theo kiến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng thì việc kết hợp kiểm soát chế độ ăn uống, điều chỉnh cách sinh hoạt, tập luyện và nghỉ ngơi là phương pháp giảm cân đem lại hiệu quả cao nhất.
Cụ thể phương pháp giảm cân dành cho người có nguy cơ vô sinh do béo phì như sau:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, không được thức quá khuya, dậy quá muộn. Đặc biệt vào ban đêm sẽ không được ăn vặt và sử dụng quá nhiều chất kích thích
- Chế độ ăn khoa học, cân đối (đầy đủ chất béo, protein, acid amin thiết yếu – hạn chế lượng đường tinh bột, ưu tiên chất béo không bão hoà như omega3 (cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá hồi), hạn chế chất béo bão hoà hay tổng hợp, ưu tiên thịt trắng, ưu tiên các loại hạt, bổ sung trái cây, rau xanh, hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, bổ sung sinh tố, khoáng chất cần thiết, chất chống oxy hoá.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe và loại bỏ lượng mỡ dư thừa trên cơ thể bằng những bài tập đơn giản như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông…
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc và không theo chỉ định của bác sĩ hoặc những phương pháp giảm cân không khoa học. Vì điều này có thể không mang lại hiệu quả giảm cân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính bạn.

Như vậy, với nhiều cơ chế phức tạp, béo phì không những ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tăng nguy cơ hiếm muộn và ảnh hưởng đến kết quả điều trị hiếm muộn. Vì vậy nếu bạn đang trong tình trạng béo phì và thừa cân, điều đầu tiên hãy thay đổi lối sống và kiểm soát cân nặng bằng cách thay đổi chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Từ đó sẽ giúp cải thiện khả năng sinh sản, giảm gánh nặng chi phí điều trị hỗ trợ sinh sản và các biến chứng trong thai kỳ cũng như hạn chế các bệnh lý toàn thân do béo phì gây ra.