Vô sinh (hiếm muộn) làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống ở phụ nữ bằng cách tăng mức độ lo lắng và trầm cảm. Căng thẳng tâm lý có thể phát sinh từ những lo toan trong đời sống hằng ngày hay trực tiếp từ vấn đề hiếm muộn và ngay cả áp lực trong quá trình điều trị (chẩn đoán hiếm muộn, chi phí, tỉ lệ thành công và kết quả điều trị…). Ngoài ra, các mối quan hệ xung quanh họ như bạn bè, người thân trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. Từ đó, dẫn đến các thói quen lối sống không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội mang thai.
1. Vô sinh (hiếm muộn) là gì?
Vô sinh thường được định nghĩa là không có khả năng thụ thai sau 1 năm quan hệ tình dục thường xuyên, không có biện pháp bảo vệ.
2. Stress là gì?
Stress là tình trạng gặp phải ở nhiều người khi gặp phải hàng loạt áp lực gây dồn nén, căng thẳng. Khi bị stress tức là đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Theo các nhà tâm lý học thì stress là phản ứng của cơ thể trước sự tác động của các tác nhân bên ngoài hoặc bên trong đến hệ thần kinh giao cảm và tâm sinh lý của con người.
3. Ảnh hưởng cảu stress đối với phụ nữ trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản
Những phát hiện gần đây cho thấy phụ nữ bị vô sinh có mức độ mệt mỏi căng thẳng tâm lý cao có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị vô sinh của họ. Stress của phụ nữ vô sinh có thể đến từ:
- Sự căng thẳng quá mức từ cuộc sống.
Tỷ lệ căng thẳng, lo lắng hay sự kỳ thị và bạo lực gia đình giữa nhóm phụ nữ vô sinh cao hơn so với phụ nữ sinh sản bình thường. Điều này gây ra những rối loạn tâm lý của người phụ nữ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Nỗi sợ đau và sự lo lắng trong quá trình điều trị và sau điều trị
Quá trình điều trị trải qua rất nhiều bước, trong đó việc lấy máu xét nghiệm, việc tiêm thuốc hay thủ thuật chọc hút thu noãn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người phụ nữ. Việc sử dụng thuốc tiêm trong quá trình kích thích buồng trứng là sự chịu đựng âm thầm trong gần 2 tuần. Đối với những người phụ nữ nhạy cảm với ngưỡng chịu đau thấp thì đó là một cực hình. Và việc này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần đối với những người phải điều trị nhiều chu kỳ với nhiều lý do khác nhau, gây đau đớn về thể xác và lo lắng, sợ hãi, phiền muộn về mặt tinh thần. Họ lo lắng trong tất cả các bước của quá trình điều trị như họ có còn nhiều trứng không? Có chọc hút được nhiều trứng không? Có nhiều phôi không? Phôi có tốt không? Hay những lo lắng trong quá trình mang thai có vấn gì ảnh hưởng đến em bé hay không?… Đây là hậu quả của những lo lắng xuất phát từ quá trình điều trị, từ những áp lực gia đình và những mối quan hệ trong xã hội hoặc thậm chí là từ tâm lý che giấu
- Áp lực kinh tế
Chi phí là vấn đề rất quan trọng trong điều trị vô sinh bởi chi phí khá đắt đỏ so với thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam. Vô sinh không trừ đối tượng nào nhưng không phải ai cũng có khả năng chi trả cho việc điều trị vô sinh. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới trong quá trình điều trị. Trong khảo sát của Hoa Kỳ với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, họ đưa ra những câu hỏi trong việc dự tính mang thai như “Tôi có muốn có con không?” hoặc “Khi nào là thời điểm tốt nhất để tôi có con?”. Tuy nhiên, đối với gần 7 triệu cặp vợ chồng vô sinh ở Hoa Kỳ, con đường làm cha mẹ còn nhiều câu hỏi nữa, chủ yếu trong số đó là; “Chúng ta sẽ có thai như thế nào?”. Mặc dù những tiến bộ trong nghiên cứu vô sinh và công nghệ sinh sản đã làm tăng các lựa chọn cho các cặp vợ chồng vô sinh trong nhiều thập kỷ qua nhưng hầu hết các cặp vợ chồng tìm cách điều trị đều thấy rằng phần lớn hoặc toàn bộ chi phí, đặc biệt là các công nghệ hỗ trợ sinh sản không được bảo hiểm chi trả. Do đó, đối với các cặp vợ chồng cố gắng mang thai với chi phí thấp đã thất bại, khả năng sinh con có thể phụ thuộc vào việc thu nhập có đủ để chi trả cho việc điều trị hay không. Điều này rất quan trọng và ảnh hưởng lên tâm lý của các cặp vợ chồng mong muốn có con vì cơ hội của họ tỷ lệ thuận với tài chính họ tích lũy.
4. Làm gì khi rơi vào tình trạng stress?
- Đọc thêm kiến thức
Đối với hầu hết phụ nữ, đọc thêm kiến thức để hiểu quá trình điều trị và cơ hội mang thai giúp lấy lại cảm giác kiểm soát trong cuộc chiến, khi mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát. Dù phụ nữ cố gắng thụ tinh tự nhiên, thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm, chị em cũng cần hiểu cơ hội mang thai thực sự là gì, các cơ hội thay đổi đáng kể dựa trên tuổi tác và tiền sử sức khỏe. Nếu có thể, phụ nữ nên cùng bạn đời tham gia vào quá trình điều trị để hợp tác nhiều hơn trong cuộc chiến chống vô sinh.
- Gặp chuyên gia tâm lý
Một chuyên gia tâm lý có thể là nhân viên công tác xã hội, nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần. Họ được đào tạo đặc biệt để giúp đỡ phụ nữ và các cặp vợ chồng đối mặt với vô sinh. Liệu pháp tâm lý sẽ giúp giảm bớt lo lắng và đau khổ xung quanh vấn đề vô sinh, đồng thời giúp tăng cơ hội mang thai
- Ngừng dằn vặt bản thân
Bác sĩ thường giải thích với bệnh nhân rằng vô sinh không phải lỗi của họ. Tuổi tác, di truyền và nhiều yếu tố không giải thích được đã góp phần gây ra vô sinh, ảnh hưởng đến cả những người có ý thức về sức khỏe và tập luyện chăm chỉ nhất.
Nora Spielman, LCSW, một nhà trị liệu tâm lý tư nhân tại Mỹ, cho biết “không có viên thuốc thần kỳ nào xóa bỏ căng thẳng, vì vậy căng thẳng vẫn xảy ra dù đã áp dụng nhiều biện pháp”. Do đó, mọi người cần học cách chung sống với nó và ngừng dằn vặt bản thân.
- Yoga, thiền định
Hãy dành vài phút để tập thiền và thở sau một ngày căng thẳng, điên cuồng với công việc, cuộc sống gia đình và các phương pháp điều trị khả năng sinh sản. Mọi người có thể sử dụng các ứng dụng có sẵn trên mạng để được hướng dẫn các bước thoát khỏi xung đột tinh thần.
Ngoài ra việc lựa chọn một môn thể thao phù hợp kết hợp ngủ đủ giấc cũng như thường xuyên trao đổi các vấn đề bạn đang gặp với người bạn đời sẽ giúp bạn dể dàng thoát khỏi những áp lực vô hình đó
Tóm lại: khi điều trị vô sinh, các chị em thường phải chịu rất nhiều áp lực nên rất cần sự quan tâm chia sẽ từ gia đình, bạn bè cũng như là sự đồng cảm từ bác sĩ và nhân viên y tế hỗ trợ trong suốt hành trình. Các chị em đang có khó khăn trong hành trình tìm các thiên thần nhỏ, hãy đến với hệ thống IVFMD để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất nhé. Xin cảm ơn!
Tác giả: ĐD. Phạm Thị Thu Hiền – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh