Chuột rút trong thời kỳ mang thai là một hiện tượng tương đối phổ biến. Mặc dù nhìn chung vô hại nhưng chuột rút có thể tạm thời gây đau nhức làm ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như cử động của các mẹ bầu. Vậy chuột rút là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh ra sao? Chúng ta hãy cùng IVF Mỹ Đức tìm hiểu nhé!
Chuột rút là gì?
Chuột rút khi mang thai là một cơn co thắt đột ngột và không tự nguyện của một hay nhiều nhóm cơ gây đau dữ dội ở đùi, bắp chân và chân, thường xảy ra vào ban đêm vào giữa và cuối của thai kỳ.
Hiện tượng chuột rút có thể chỉ kéo dài vài giây đồng hồ tới vài phút rồi hết hẳn, nhưng đôi lúc cũng có thể hết đi rồi co trở lại.
Nguyên nhân mẹ bầu bị chuột rút:
- Thiếu canxi: hiện tượng này rất hay xảy ra ở mẹ bầu, đặc biệt là vào 3 tháng cuối của thai kỳ khi thai đã lớn và có nhu cầu canxi rất cao. Lúc này, lượng canxi trong cơ thể mẹ được tập trung để nuôi dưỡng thai nhi khiến cho mẹ bầu bị thiếu hụt một lượng canxi dẫn đến tình trạng chuột rút do hạ canxi máu.
- Ốm nghén: Tình trạng nôn ói trong thời kỳ mang thai cũng là lý do khiến cơ thể mất nhiều nước, mất cân bằng điện giải và chất dinh dưỡng. Từ đó, dẫn đến tình trạng cơ bị co cứng.
- Trọng lượng cơ thể tăng đột ngột tạo nên áp lực lớn lên đôi chân và các cơ ở chân khiến các cơ này bị kích thích, dễ dẫn đến tê bì hoặc chuột rút.
- Các bệnh về: táo bón, chứng ợ hơi, khó tiêu, sỏi thận, bàng quang… cũng dễ khiến mẹ bầu tăng nguy cơ bị chuột rút.
- Kích thước tử cung tăng nhanh khiến các mạch máu xung quanh bị chèn ép, lượng máu dẫn xuống chân bị hạn chế làm cho chân tay tê nhức, thậm chí bị chuột rút. Ngoài ra, các dây thần kinh từ tủy đến chân cũng bị chèn ép khiến mẹ bầu cảm thấy nặng nề và khó chịu.
- Hiện tượng mất nước trong thai kỳ cũng khiến mẹ bầu bị rối loạn điện giải, tình trạng này chính là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuột rút.
Dấu hiệu chuột rút khi mang thai:
- Chuột rút là hiện tượng phổ biến ở mẹ bầu trong thời gian mang thai, thường xuất hiện chuột rút ngay khi vừa bắt đầu giấc ngủ.
- Tháng thứ 3 của thai kỳ là thời điểm xuất hiện cảm giác khó chịu do bị chuột rút và các cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên cho đến khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này có thể xảy ra cả ban ngày và thường nặng hơn vào ban đêm, ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của mẹ bầu, nhưng không để lại hậu quả gì cho mẹ và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.
- Vị trí bị chuột rút thường gặp nhất bao gồm bắp chân, đùi, bàn chân, đặc biệt là ở bắp chân. Ngoài ra còn hay gặp ở tay, thân mình.
- Trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý vì có khả năng sảy thai. Bên cạnh cơn đau đột ngột, mẹ bầu cũng có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối mô cứng bên dưới da.
- Nếu chuột rút khi mang thai có kèm theo các triệu chứng như ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng hoặc đau dữ đội ở phần bị đau, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị chuột rút?
- Thay đổi tư thế đứng, ngồi, nằm thường xuyên. Vận động nhẹ bằng cách đi bộ hoặc kéo căng cơ bắp mỗi ngày.
- Tắm nước ấm, mặc quần áo rộng, thoải mái, xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng.
- Nên đi tiểu tiện thường xuyên để tránh việc bàng quang bị căng đầy gây co thắt tử cung.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi và các loại rau để tránh bị táo bón. Không nên ăn nhiều bánh mì, gạo và tinh bột.
- Ngồi hoặc nằm thư giãn và tập các bài hít thở sâu.
- Khi ngồi nên đảm bảo chân có kệ đỡ để máu có thể dễ dàng lưu thông.
Cách phòng tránh chuột rút khi mang thai
- Nên tránh đứng hoặc ngồi lâu ở một tư thế. Nếu phải ngồi lâu, bà bầu nên duỗi thẳng chân thoải mái để máu lưu thông tốt hơn.
- Bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều canxi trong thai kỳ.
- Uống nhiều nước.
- Tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm các công việc nặng nhọc, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu.
- Massage tay, chân nhẹ nhàng để tránh chuột rút.
- Tắm hoặc ngâm chân bằng nước ấm.
- Mang giày, dép phù hợp với chân để tránh tắc nghẽn mạch máu.
- Nên dùng gối mềm kê cao chân hoặc nghiêng về bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể.
Chuột rút khi mang thai là hiện tượng thường gặp đối với các mẹ bầu. Nhưng khi nhận thấy bất cứ nghi ngại gì về dấu hiệu chuột rút trong lúc mang thai với cơn đau tiếp diễn kèm theo đau và sưng chân, chạm vào có cảm giác nóng xung quanh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được sự trợ giúp kịp thời của các y – bác sĩ nguy cơ bị đông máu thay vì chuột rút. Riêng trong trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý vì có khả năng sảy thai.
Chuột rút trong thời kỳ mang thai là tình trạng phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng là điều tự nhiên. Khi mang thai bạn cần để ý các dấu hiệu chuột rút để có thể nhanh chóng khắc phục và nhận sự hỗ trợ từ bác sĩ. Bài viết trên đây cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về dấu hiệu nhận biết, khắc phục và phòng ngừa chuột rút. Hy vọng bạn và gia đình sẽ có một thai kỳ an vui và khỏe mạnh để chào đón con yêu chào đời.