DU LỊCH SAU CHUYỂN PHÔI CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ LỆ THÀNH CÔNG

Quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi là thời gian khá căng thẳng và áp lực với không ít cặp vợ chồng khi điều trị hiếm muộn. Vì thế, các cặp vợ chồng thường mong muốn sắp xếp một chuyến đi du lịch để giải tỏa bớt căng thẳng sau một chu kỳ điều trị. Nhưng lại phân vân không biết liệu việc đi lại có ảnh hưởng đến kết quả điều trị của mình không. Đặc biệt là sau khi thực hiện chuyển phôi, các chị thường lo lắng nhiều về quá trình vận động và đi lại. Tại IVFMD, chúng tôi thấy hiểu những lo lắng này của anh chị. Vì thế, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin cơ bản, hy vọng có thể giải đáp được thắc mắc của các anh chị.

Đi du lịch khi đang điều trị thụ tinh trong ống nghiệm

Bắt đầu điều trị hiếm muộn không có nghĩa là anh chị phải dừng lại tất cả các kế hoạch của bản thân, gia đình và các chuyến đi. Tuy nhiên trong quá trình điều trị chị cần phải được theo dõi, làm các xét nghiệm cũng như siêu âm thường xuyên. Do đó nếu anh chị đang lên kế hoạch đi du lịch hoặc có chuyến đi đột xuất do công việc hay gia đình. Anh chị cần phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của mình để được sắp xếp lịch tái khám hợp lý, tránh ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Đi du lịch sau khi chuyển phôi

Quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm bao gồm nhiều bước, trong đó chuyển phôi được xem là một trong những bước quan trọng nhất của cuộc hành trình. Vì thế vấn đề đi lại sau khi chuyển phôi được nhận rất nhiều sự quan tâm của các chị. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào cho thấy đi du lịch làm ảnh hưởng đến tỷ lệ mang thai. Tuy nhiên, nếu được các chị nên đi những chuyến đi ngắn. Và nơi đến nên gần các trung tâm, cơ sở có chuyên môn về hỗ trợ sinh sản, sản phụ khoa để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, các chị cũng đừng quên lịch hẹn thử thai. Nếu tới ngày hẹn thử thai nhưng chị đang ở xa nơi điều trị hoặc có công việc chưa giải quyết xong. Chị có thể liên hệ với nhân viên y tế theo dõi mình để được hướng dẫn thực hiện xét nghiệm thử thai và gửi kết quả để Bác sĩ tư vấn và cấp thuốc cho chị. 

Một vài lời khuyên để chuẩn bị một chuyến đi an toàn

Kiểm tra trang web của WHO và CDC: để biết về các hướng dẫn và cảnh báo du lịch với các vùng đang bùng phát dịch bệnh, điều này đặc biệt quan trọng đối với những ai có dự định mang thai. 

Thông tin liên lạc: Hãy luôn giữ thông tin liên lạc của trung tâm hỗ trợ sinh sản nơi điều trị, các chị có thể liên hệ với trung tâm IVF tại điểm đến hoặc có thể nhờ bác sĩ giới thiệu nếu cần để đảm bảo luôn có sự hỗ trợ sẵn sàng nếu chị có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Thuốc hỗ trợ sinh sản: Nếu anh chị có kế hoạch đi du lịch, nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về việc chuẩn bị các thuốc dùng trong thời gian sắp tới.

Có thai sau chuyển phôi đi máy bay có an toàn không?

Theo một số nghiên cứu gần đây, việc di chuyển bằng máy bay trong thời kỳ mang thai là an toàn đối với thai kỳ khoẻ mạnh, không có bệnh lý kèm theo. Việc di chuyển bằng máy bay trong thời kỳ mang thai không làm gia tăng các nguy cơ hay biến chứng thai kỳ và hầu hết các hãng hàng không cho phép phụ nữ mang thai có thể bay đến khi thai 36 tuần.

Ưu tiên chọn ghế sát lối đi để dễ dàng đứng dậy và duỗi chân vì việc ngồi lâu cố định một chỗ trong nhiều giờ đồng hồ dễ dẫn đến nguy cơ phù chi dưới và huyết khối tĩnh mạch.

Cần chuẩn bị gì trước chuyến bay khi mang thai

Bạn cần tìm hiểu kỹ về quy định của các hãng hàng không đối với phụ nữ mang thai. Tại Việt Nam, các hãng hàng không cũng có những quy định cụ thể dành cho phụ nữ mang thai như sau:

Dưới 32 tuần: được vận chuyển như hành khách thông thường

Từ 32-36 tuần: phải có giấy xác nhận sức khoẻ trước khi bay

Trên 36 tuần hoặc phụ nữ sau sinh 7 ngày: không được vận chuyển vì sự an toàn về sức khoẻ.

Các trường hợp đặc biệt: không xác định rõ được thời gian mang thai hay thời gian dự sinh; đã từng sinh đôi, đa thai hoặc đã từng có những trục trặc trong lúc sinh; có thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Cần có giấy xác nhận sức khoẻ trước chuyến bay.

Những giấy tờ các chị cần chuẩn bị: giấy tờ tuỳ thân, sổ khám thai, giấy xác nhận sức khoẻ là phụ nữ mang thai

Trường hợp cần hỗ trợ y tế trong lúc đi du lịch

Ra máu âm đạo

Đau vùng chậu, đau bụng hoặc xuất hiện những cơn co thắt

Nôn ói hoặc tiêu chảy nặng

Dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu: đau khi sờ hoặc khi gấp mặt mu bàn chân vào cẳng chân, da chân nóng, nổi ban đỏ, phù mắt cá chân…

Hy vọng qua một vài thông tin cơ bản, có thể giúp anh chị yên tâm hơn trên con đường tìm con sắp tới. Một tâm lý tốt và những chuyến đi du lịch ngắn ngày sau khi chuyển phôi sẽ giúp các cặp vợ chồng thoải mái hơn để đạt được kết quả như nguyện vọng trên hành trình tìm kiếm những thiên thần nhỏ.