Để có thể thụ tinh và mang thai, trước hết phải cần có trứng của vợ và tinh trùng của chồng. Vậy làm gì nếu người chồng không may có kết quả xét nghiệm không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch? Không có tinh trùng là bệnh gì? không có tinh trùng có con được không? Bài viết dưới đây IVFMD sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
1. Khái niệm về vô tinh
Vô tinh do không có tinh trùng là trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, được xác định sau khi quay ly tâm mẫu ít nhất 2 lần trong khoảng thời gian cách nhau 1 tháng. Tỷ lệ vô tinh ghi nhận xấp xỉ 1% ở nam giới, và chiếm khoảng 10 – 15% nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới.
2. Phân loại và nguyên nhân
2.1. Vô tinh do tắc nghẽn (vô tinh bế tắc):
Là trường hợp tinh hoàn có thể sinh tinh bình thường, thể tích tinh hoàn và xét nghiệm nội tiết (FSH) trong giới hạn bình thường. Nguyên nhân do sự xuất hiện các bế tắc tại nhiều vị trí khác nhau như ống dẫn tinh, ống phóng tinh, mào tinh, ống phóng tinh dẫn tới tinh trùng bị nghẽn lại.
2.2. Vô tinh không bế tắc (không do tắc nghẽn):
- Vô tinh không bế tắc trung tâm: chỉ số FSH thấp, Testosterone – hormone sinh sản ở nam – thấp hoặc bình thường và có tình trạng suy tinh hoàn.
- Vô tinh không bế tắc tại tinh hoàn: chỉ số FSH tăng đáng kể, suy tinh hoàn.
Nguyên nhân không tắc nghẽn:
- Các vấn đề liên quan đến vùng dưới đồi – tuyến yên. Khi các bệnh lý xảy ra ở vùng này, có thể gây rối loạn trong việc giải phóng và ức chế các nội tiết tố của tuyến yên. Nó có thể làm suy giảm sự phát triển và chức năng của tinh hoàn và giảm sản xuất tinh trùng.
- Vô tinh do nguyên nhân bắt nguồn từ tinh hoàn: không có tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng sống, tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng trưởng thành hoàn toàn, teo tinh hoàn sau khi bị quai bị, …
- Tinh hoàn giảm sinh tinh trùng do các nguyên nhân tại tinh hoàn như hội chứng Klinefelter, đột biến vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể Y (AZF), biến chứng của quai bị tại tinh hoàn, điều trị hóa xạ trị, …
3. Phẫu thuật thu nhận tinh trùng là gì?
Phẫu thuật thu nhận tinh trùng là phương pháp lấy tinh trùng thông qua phẫu thuật ở vị trí mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn. Kỹ thuật này được chỉ định cho các trường hợp người nam không có tinh trùng trong tinh dịch nhưng tinh hoàn vẫn có khả năng tạo ra tinh trùng. Với sự phát triển vượt bậc của ngành hỗ trợ sinh sản đã giúp các bệnh nhân có cơ hội được làm cha nếu được phẫu thuật tìm tinh trùng thành công và sau đó tinh trùng được sử dụng để thụ tinh ống nghiệm (IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để tạo phôi, hoặc có thể trữ lạnh mẫu mô tinh hoàn để sử dụng sau này.
4. Phương pháp thu nhận tinh trùng đối với trường hợp vô tinh không bế tắc
Trong trường hợp không tinh trùng do vô tinh không bế tắc, tinh hoàn vẫn sinh tinh bình thường nhưng tinh trùng không thể ra bên ngoài, đồng nghĩa với việc là cặp vợ chồng đó không thể có thai tự nhiên, mà phải cần đến điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Người vợ sẽ được tiến hành kích thích buồng trứng và đến khi vợ có chỉ định lấy trứng thì người chồng sẽ được hướng dẫn đến làm thủ thuật lấy tinh trùng bằng phương pháp TESE (Testicular Sperm Extraction – trích tinh trùng từ mô tinh hoàn). Tinh trùng được tìm thấy sẽ được chuyên viên phôi học tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ để tạo phôi bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để tạo phôi. Phôi sau đó được các bác sĩ hỗ trợ sinh sản chuyển vào buồng tử cung của người vợ.
5. Lưu ý bạn cần biết trước, trong và sau ngày làm thủ thuật TESE
Trước thủ thuật 1 ngày:
- Nhân viên IVF gọi điện thoại để hướng dẫn các thông tin quan trọng.
- Cạo sạch lông vùng bộ phận sinh dục. Việc cạo lông giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, thuận tiện cho thao tác phẫu thuật/thủ thuật, cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc thay băng vết thương sau thủ thuật/phẫu thuật.
- Tắm rửa sạch toàn cơ thể, chú ý kỹ vùng phẫu thuật/ thủ thuật.
- Ăn nhẹ và dễ tiêu vào bữa tối, lúc 18h00 – 21h00, có thể uống nước đến 23h00.
- Tháo bỏ các tư trang.
- Ngủ sớm và đủ giấc.
Ngày làm thủ thuật:
- Sáng không ăn, không uống. Việc để trống dạ dày sẽ giúp giảm nguy cơ hít sặc có thể xảy ra trong quá trình thủ thuật, phẫu thuật.
- Không sử dụng nước hoa.
- Không đeo trang sức.
- Có mặt đúng giờ hẹn để hoàn tất thủ tục hành chánh.
- Thay đồ thủ thuật theo quy định tại khoa, phòng bệnh viện.
- Làm thủ thuật xong, bạn được nằm nghỉ ngơi và theo dõi ít nhất 2 tiếng. Sau khi được nhân viên kiểm tra ổn, bạn được hướng dẫn cách theo dõi, sử dụng thuốc theo toa bác sĩ và hoàn thành các thủ tục.
- Được về nhà trong ngày.
Sau thủ thuật:
- Chăm sóc vết thương:
+ Bìu sẽ có thể sưng, đau trong 24 – 48 giờ sau thủ thuật và sẽ đỡ sau vài ngày, nhưng không cản trở việc đi lại, sinh hoạt.
+ Giữ cho vết mổ sạch sẽ, khô ráo.
+ Sau 24 giờ phẫu thuật, người bệnh có thể được tháo băng, tắm rửa, thay băng mỗi ngày.
+ Băng vết thương trong 3-5 ngày. Cắt chỉ sau 7 ngày.
- Sử dụng thuốc đúng và đủ theo toa
+ Bác sĩ sẽ kê toa thuốc Kháng sinh phổ rộng (Ampicillin) trong 5 ngày. Thuốc giảm đau thông thường (paracetamol), để giảm đau sau phẫu thuật tinh hoàn. Người bệnh nên thực hiện đúng theo chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng thuốc.
+ Nếu có dùng các loại thuốc khác, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh tương tác thuốc.
- Ăn uống hợp lý:
+ Uống nhiều nước để cơ thể cảm thấy dễ chịu.
+ Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Chọn thức ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo… Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Sinh hoạt điều độ:
+ Vận động nhẹ nhàng tùy theo tình trạng sức khỏe.
+ Kiêng quan hệ tình dục (bao gồm cả thủ dâm) trong khoảng 3 – 4 tuần.
6. Các bước thực hiện thủ thuật TESE
- Người bệnh nằm ngửa, được giảm đau bằng tiền mê hoặc gây mê tĩnh mạch hoặc gây tê tại chỗ ở bìu.
- Sát khuẩn bộ phận sinh dục, vùng bẹn, đùi và khu vực tầng sinh môn.
- Trải săng vô khuẩn để hở vùng bìu để làm thủ thuật.
- Bác sĩ Nam khoa thực hiện thủ thuật xẻ mô để thu được mẫu mô tinh hoàn.
- Lấy một mẫu mô nhỏ từ tinh hoàn và chuyển cho các chuyên viên phôi học tìm tinh trùng từ mẫu mô đó.
- Mẫu mô sẽ được quan sát tìm tinh trùng dưới hệ thống kính hiển vi với độ phóng đại 400 lần.
- Sau khi xác định đủ tinh trùng, sát khuẩn lại vị trí chọc hút, khâu và băng vết thương và kết thúc thủ thuật.
7. Biến chứng
- Nhiễm trùng vết mổ thường do bệnh nhân không giữ vệ sinh sạch vết mổ, mặc quần lót chật, làm việc nơi nóng, để mồ hôi thấm ướt băng.
- Viêm mào tinh – tinh hoàn có thể xảy ra, …
Các trường hợp vô tinh cần được thăm khám, đánh giá chính xác và toàn diện để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây vô tinh mà bác sỹ tại IVFMD sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị đúng để các anh có thể có con với chính tinh trùng của mình. IVFMD hy vọng với các kỹ thuật hiện tại có thể giúp các cặp vợ chồng sớm có kết quả như mong muốn và chào đón con yêu về nhà!
Tác giả: ĐD. Lê Thị Tài – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh