RUBELLA VÀ THAI KỲ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bệnh Rubella hay sởi Đức là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên. Nhiễm Rubella trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, có nguy cơ gây ra những dị tật cho thai nhi như: tật Rubella bẩm sinh, sẩy thai, nhiễm trùng bào thai, thai chậm tăng trưởng, thai chết lưu,…

Bệnh Rubella là gì?

–   Rubella là bệnh sốt phát ban lành tính.

–   Bệnh Rubella chỉ có duy nhất ở người, không hề xuất hiện ở các vật nuôi hay các động vật khác. Rubella lây truyền từ người bệnh sang những người có tiếp xúc với phần dịch trong mũi họng hay có thể truyền từ mẹ sang con qua đường máu. Bệnh không quá nguy hiểm đối với người mắc nhưng lại rất nghiêm trọng đối với bà bầu vì nó có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

–   Hằng năm trên thế giới có khoảng 700.000 trẻ em bị chết vì mắc hội chứng rubella bẩm sinh.

Ảnh hưởng của Rubella lên thai kỳ như thế nào? 

–   Mặc dù lành tính nhưng hậu quả của Rubella với phụ nữ mang thai lại vô cùng nghiêm trọng.

–   Nếu thai phụ bị nhiễm virus Rubella trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu thì có tới 90% trường hợp người mẹ có thể truyền virus sang thai nhi. Virus này có thể khiến thai nhi bị chết hoặc bị hội chứng rubella bẩm sinh (hội chứng rubella bẩm sinh có thể khiến trẻ sinh ra bị chậm phát triển, điếc….). Vì vậy việc chẩn đoán xác định Rubella ở phụ nữ mang thai trong những tháng đầu thai kỳ là vô cùng quan trọng.

Triệu chứng bệnh Rubella trên phụ nữ mang thai là gì? 

Bệnh Rubella có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Thời gian ủ bệnh là khoảng 2 tuần. Khi phát bệnh, người bình thường có dấu hiệu sốt phát ban kèm theo mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, sưng hạch và các nốt ban sẽ lặn trong khoảng từ 1 đến 7 ngày. Ở phụ nữ có thai, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm cho thai nhi. Hơn nữa, phát ban là dấu hiệu tiêu biểu của bệnh Rubella nhưng đối với phụ nữ có thai thì dấu hiệu lại không rõ ràng.

Ý nghĩa và thời điểm thực hiện hiện xét nghiệm Rubella trong thai kỳ 

  • Thời điểm xét nghiệm

Việc thực hiện xét nghiệm Rubella (IgM và IgG) được thực hiện đối với những thai phụ chưa từng tiêm ngừa Rubella và chưa từng mắc bệnh rubella trước khi mang thai. Xét nghiệm nên được thực hiện từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 của thai kỳ, đây là thời gian tốt nhất để thực hiện. Không nên xét nghiệm khi thai đã trên 16 tuần vì khó để giải thích kết quả cũng như nếu có vấn đề gì cũng khó giải quyết bởi lúc này thai đã lớn

  • Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Rubella (IgG, IgM)
  1. Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM và IgG đều âm tính, có nghĩa là thai phụ chưa từng bị nhiễm Rubella và cũng chưa có kháng thể kháng Rubella.
  2. Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM và IgG đều dương tính, thai phụ nên xét nghiệm lần 2 sau 1-2 tuần.

–  Nếu xét nghiệm lần 2: IgM âm tính và IgG dương tính (với nồng độ tăng gấp đôi), có thể thai phụ mới bị nhiễm Rubella trong thai kì. Thai phụ cần được tư vấn khả năng Rubella bẩm sinh và kế hoạch theo dõi.

–  Nếu xét nghiệm lần 2: IgM dương tính thấp hơn so với lần 1 và IgG dương tính (nhưng không tăng gấp đôi), thai phụ không cần lo lắng vì có thể IgM dương tính với lần tiêm ngừa hoặc dương tính chéo với siêu vi khác hoặc bị nhiễm Rubella thứ phát.

  1. Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM âm tính và IgG dương tính

–  Khi đó sẽ có những tình huống sau: Thai phụ đã tiêm vaccine Rubella hay bị nhiễm Rubella trước khi mang thai: thai phụ hoàn toàn yên tâm vì chị đã có kháng thể kháng Rubella.

  1. Kết quả xét nghiệm Rubella: IgM dương tính và IgG âm tính, thai phụ cần được theo dõi và làm lại xét nghiệm 1-2 tuần sau:

–  Nếu xét nghiệm lần 2: IgM âm tính và IgG dương tính hoặc IgM dương tính nhưng giảm xuống và IgG dươg tính, có nghĩa là thai phụ mới bị nhiễm Rubella trong lúc mang thai. Thai phụ cần đến BS tư vấn khả năng Rubella bẩm sinh để có hướng theo dõi cụ thể.

–  Nếu xét nghiệm lần 2: IgM dương tính (không thay đổi nhiều, vẫn thấp như trước) và IgG âm tính. thai phụ nên làm lại xét nghiệm lần 3. Trường hợp này có thể IgM dương tính chéo với những siêu vi khác

Thai phụ nhiễm Rubella nên làm gì? 

–   Vì nguy cơ gây ra hội chứng rubella bẩm sinh rất cao cho thai nhi khi mẹ bị nhiễm rubella, nên những trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thì sẽ được bác sĩ tư vấn đình chỉ thai kỳ.

–    Đối với những phụ nữ mang thai bị tái nhiễm Rubella, tức là đã từng bị nhiễm rubella hoặc đã tiêm chủng rubella từ trước khi mang thai thì không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

–   Nếu phụ nữ mang thai có xét nghiệm dương tính với virus Rubella thì cần bình tĩnh vì không phải bất cứ các trường hợp nhiễm Rubella khi mang thai nào cũng phải bỏ thai. Ngoài ra, việc thăm khám và nhận đầy đủ tư vấn từ các bác sĩ là điều rất quan trọng và cần thiết để có những thông tin hữu ích cho cả mẹ và con được khỏe mạnh

Nên làm gì để phòng tránh nhiễm Rubella cho phụ nữ mang thai? 

Hiện nay, Rubella chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn nhiễm virus Rubella vẫn là thực hiện tiêm phòng chủ động vắc-xin ngừa Rubella.

Đối với những bạn nữ đang có ý định sinh con thì nên tiến hành xét nghiệm miễn dịch với Rubella để biết xem mình đã tiêm chủng Rubella hay chưa, trong trường hợp chưa tiêm vắc xin Rubella thì nên tiến hành tiêm ngừa trước khi thụ thai 3 tháng, vì nếu tiến hành tiêm vắc-xin trong thai kỳ vẫn có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong khi mang thai, cần tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh đặc biệt là với người đang nhiễm Rubella, người có biểu hiện cúm, phát ban,vv… vì đây là virus lây truyền qua đường hô hấp nên rất dễ truyền từ người này sang người khác.

Nếu cơ thể có biểu hiện sốt và phát ban thì cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Tóm lại, Rubella là một loại virus thường gặp khi phụ nữ mang thai. Đây là bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa bằng vắc xin chủng ngừa bệnh. Xét nghiệm Rubella là việc làm cần thiết mà các mẹ bầu cần làm để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.