Kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) cho phép quá trình thụ tinh diễn ra trong điều kiện in vitro, bằng cách tiêm duy nhất một tinh trùng vào bên trong một noãn trưởng thành. Tỉ lệ thụ tinh ở các chu kì ICSI vào khoảng 65% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, một phần hoặc toàn bộ noãn trưởng thành không thể thụ tinh với tinh trùng – gọi là thất bại thụ tinh. Thất bại thụ tinh xảy ra đồng nghĩa với việc noãn không thể thụ tinh với tinh trùng, dẫn đến không thể tạo thành phôi và bệnh nhân không có phôi để chuyển trong chu kỳ đó. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thất bại thụ tinh và giải pháp nào đang được áp dụng cho trường hợp có kết quả thụ tinh kém ? Hãy cùng tìm hiểu qua các thông tin được trình bày ngay sau đây bạn nhé.
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn thất bại do những nguyên nhân nào ?
Thất bại thụ tinh có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như:
- Noãn không được hoạt hoá thành công.
- Chất lượng noãn kém.
- Tinh trùng bất thường bộ gen, tinh trùng mang các bất thường hình dạng nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong một vài trường hợp ngẫu nhiên, thất bại thụ tinh cũng có thể xảy ra mà không thể xác định rõ nguyên nhân từ noãn hay tinh trùng.

Giải pháp áp dụng cho các trường hợp có tiền sử ICSI thất bại ?
Đối với các trương hợp có tiền sử thất bại trong tiêm tinh trùng vào bào tương noãn thì Hỗ trợ hoạt hoá noãn nhân tạo (artificial oocyte activation – AOA) là phương pháp tiếp cận nhằm hạn chế nguy cơ thất bại thụ tinh ở đối tượng bệnh nhân thất bại thụ tinh hoàn toàn hoặc tỉ lệ thụ tinh thấp (<33%) ở các chu kì ICSI trước. Hiện tại, có 3 phương pháp hỗ trợ hoạt hoá noãn là cơ học, điện hoặc hoá học. Hỗ trợ hoạt hoá noãn bằng hoá chất, cụ thể là canxi ionophore thường được sử dụng.
Quy trình hỗ trợ hoạt hoá noãn nhân tạo tương đối đơn giản. Sau khi thực hiện ICSI, những noãn này được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt có bổ sung canxi ionophore trong thời gian ngắn (15 phút). Sau đó, noãn được rửa sạch và chuyển qua môi trường nuôi cấy thụ tinh.

Hiệu quả của phương pháp hỗ trợ hoạt hoá noãn nhân tạo trong việc cải thiện kết quả điều trị ở các trường hợp thất bại thụ tinh ?
Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về hiệu quả của kĩ thuật hoạt hoá noãn nhân tạo trong việc cải thiện tỉ lệ thụ tinh ở các chu kì ICSI, đặc biệt là đối tượng bệnh nhân có tiền sử thất bại thụ tinh hoàn toàn hoặc tỉ lệ thụ tinh kém (<33%). Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố gần đây (năm 2022) đã cho thấy hỗ trợ hoạt hoá noãn nhân tạo sử dụng canxi ionophore còn giúp cải thiện chất lượng phôi ở bệnh nhân lớn tuổi, có dự trữ buồng trứng kém.
Hy vọng những thông tin trình bày trong bài viết này sẽ cung cấp cho các cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh hiếm muộn kiến thức mới, hữu ích trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu có bất kì thắc mắc nào thì hãy “Alo” ngay cho IVFMD để được hỗ trợ kịp thời bạn nhé.