TIÊU CHẢY TRONG THAI KỲ

Mang thai bị tiêu chảy là một trong các vấn đề có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Vậy, mang thai bị tiêu chảy có ảnh hưởng gì không? Nguyên nhân và cách điều trị như nào, hãy cũng IVFMD tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khái niệm

Tiêu chảy khi mang thai nghĩa là khi mẹ bầu có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày trở lên và kéo dài.

2. Nguyên nhân

– Tiêu chảy khi mang thai có nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân chính thường là do nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm ký sinh trùng, … do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

– Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy khi mang thai còn bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như sau:

  • Do tình trạng dị ứng hoặc nhạy cảm với thức ăn khi ăn phải thức ăn gây kích ứng đường ruột, thức ăn lạ. Tình trạng này khiến mẹ bầu bị đầy hơi, chướng bụng, và tiêu chảy.
  • Do thay đổi khẩu phần ăn khiến hệ tiêu hóa không kịp thích nghi làm cho mẹ bầu bị tiêu chảy.
  • Do mẹ bầu được cho sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng, vitamin, các chất bổ, … khiến cho hệ tiêu hóa bị quá tải và rối loạn cũng có nguy cơ gây ra hiện tượng tiêu chảy.
  • Do tình trạng thay đổi nội tiết cũng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trong thời gian đầu mang thai.

Mẹ bầu cũng có khả năng bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trước đó như: hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, Celiac, viêm loét đại trực tràng chảy máu, …

3. Mang thai bị tiêu chảy có ảnh hưởng gì không?

Mang thai bị tiêu chảy diễn ra một vài ngày, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé:

  • Ở mức độ nhẹ, có thể mẹ bị mất nước kèm theo sự mệt mỏi, phiền toái. Do đó, điều cần thiết là phụ nữ mang thai cần bổ sung nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước (nước ép hoa quả, nước oresol). 
  • Ở trường hợp nặng hơn, mẹ bầu bị đau bụng quanh rốn, cơn đau có thể kéo dài và dữ dội, thậm chí nôn mửa. Đặc biệt, khi tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn tả (virus Rota), có thể khiến thai phụ mất sức rất nhanh, tử cung bị co bóp mạnh, đe dọa tới sự an toàn của thai nhi.

Hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn tới em bé trong bụng suy dinh dưỡng, chậm phát triển hoặc tử vong. Vì vậy, nếu phụ nữ mang thai bị đau bụng tiêu chảy nhất là 3 tháng đầu nên đi kiểm tra bác sĩ sớm để điều trị kịp thời và nhanh khỏi bệnh.

4. Bạn có thể làm gì khi bị tiêu chảy trong thai kỳ

Uống nhiều nước: để giữ cơ thể không bị mất nước. Tuy nhiên, tránh các loại nước hoa quả, nước ngọt có ga.

Tránh những loại thực phẩm có thể làm tiêu chảy nghiêm trọng hơn: thực phẩm béo hoặc cay, sữa (đặc biệt khi bạn không dung nạp đường sữa).

Sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa: cháo, súp, bánh mì nướng, chuối, cà rốt nấu chín… Sữa chua, đặc biệt với các loại sữa chua còn men sống giúp cung cấp những lợi khuẩn cho ruột cũng có hiệu quả trong việc điều trị tiêu chảy.

Nghỉ ngơi: những khó chịu do tiêu chảy khiến cơ thể mệt mỏi, vì vậy hãy tăng cường nghỉ ngơi bạn nhé.

Tránh xa các loại thuốc tiêu chảy có chứa natri hoặc natri bicarbonate. Chúng là những loại không nên sử dụng trong thai kỳ.

5. Khi nào mẹ bầu cần đến khám bác sĩ?

Khi tiêu chảy không giảm nhẹ hơn sau 1 ngày: tiêu chảy kéo dài có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước, một yếu tố nguy cơ chính của chuyển dạ sớm.

Khi tiêu chảy trở nên nặng hơn, hoặc phân có máu, có chất nhầy hoặc hoàn toàn là chất lỏng.

Khi bạn bị tiêu chảy kèm sốt hoặc xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội.

Khi bạn có những dấu hiệu mất nước: khô môi, choáng váng, chóng mặt…

Khi bé yêu trong bụng bạn ít vận động hơn, hoặc vận động mạnh mẽ hơn thường ngày. Hoặc khi bạn có những dấu hiệu như: Co thắt thường xuyên, dịch tiết âm đạo nhiều hơn, dịch tiết như nước và có kèm máu.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các mẹ bầu có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng bị tiêu chảy khi mang thai. Nếu gặp phải tình trạng tiêu chảy, tốt nhất là mẹ bầu nên đến bệnh viện chuyên khoa để được gặp bác sĩ thăm khám để được điều trị kịp thời và đúng cách, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và thai nhi!

Tác giả: ĐD. Lê Thị Tài – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh