TRẦM CẢM THỦ PHẠM TIỀM TÀNG CỦA VÔ SINH

Trầm cảm và bệnh vô sinh hiếm muộn có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau và tác động trực tiếp đến cuộc sống hạnh phúc của mỗi gia đình. Người trầm cảm có thể gia tăng các vấn đề về sinh sản và ngược lại, người vô sinh hiếm muộn rất dễ dẫn đến trầm cảm vì áp lực. Vậy bản chất mối liên hệ trầm cảm và vô sinh là gì? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Để được làm mẹ những người phụ nữ hiếm muộn đã trải qua nhiều áp lực, mệt mỏi, thậm chí suy kiệt trên hành trình “kiếm con”. Tuy nhiên có được bao nhiêu người chồng thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ được với người phụ nữ của mình trong hành trình này. Có nhiều cặp vợ chồng dù rất yêu thương nhau nhưng việc không có con khiến cho tình cảm của họ dần trở nên xa cách thậm chí một trong hai người luôn mang tâm trạng tiêu cực và dễ bị kích động.

Vô sinh, hiếm muộn là bệnh gì?

Vô sinh hay còn gọi là hiếm muộn, được định nghĩa khi không có khả năng mang thai sau một năm giao hợp và không sử dụng biện pháp an toàn. Vô sinh gây một áp lực lớn với người phụ nữ thậm chí có thể gây ra những khủng hoảng trong hôn nhân. Tỷ lệ vô sinh trên thế giới ước tính khoảng 8-12% tùy từng khu vực và hiện nay có nhiều phương pháp giúp hỗ trợ sinh sản trong đó thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) phát triển mạnh khoảng hai thập kỷ gần đây.

Trầm cảm là bệnh gì?

Trầm cảm là một trạng thái rối loạn tâm thần phổ biến. Nguyên nhân có thể dẫn đến trầm cảm như áp lực gia đình, sang chấn tâm lý, stress kéo dài, ám ảnh từ quá khứ, cuộc sống không hạnh phúc. Thông thường thì một người vẫn có những lúc buồn bã, chán nản. Tuy nhiên các cảm xúc này diễn ra trong một thời gian dài sẽ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của cuộc sống và đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Một người khi xuất hiện nhiều hơn 5 triệu chứng dưới đây và kéo dài khoảng từ 2 tuần trở lên sẽ được xem là đang mắc trầm cảm (DSM-5):

  • Cảm thấy dễ bị kích thích hoặc chậm chạp.
  • Tâm trạng chán nản kéo dài.
  • Mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, thậm chí những hoạt động trước đó từng rất ưa thích.
  • Ngủ nhiều hoặc thiếu ngủ.
  • Cảm thấy mất sức sống.
  • Cảm giác bản thân không có giá trị, tội lỗi, mặc cảm.
  • Giảm khả năng tập trung.
  • Giảm cân hoặc tăng cân không phải do ăn kiêng có chủ ý.
  • Thậm chí luôn có suy nghĩ đến cái chết và tự tử.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở nữ gấp khoảng 2 lần nam giới trong độ tuổi sinh sản.

Mối quan hệ giữa trầm cảm và vô sinh hiếm muộn

Ở những nước đang phát triển, người phụ nữ được coi là một cá nhân hoàn chỉnh chỉ khi cô ấy được làm mẹ. Quan điểm này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng như sự phân biệt đối xử về giới tính. Ngoài ra phần lớn các phương pháp điều trị trong hỗ trợ sinh sản đều được thực hiện trên cơ thể người phụ nữ, gây cho họ sự đau đớn khó chịu và cảm giác ốm yếu. Tỷ lệ vô sinh cao tuy nhiên hầu hết phụ nữ không thể chia sẻ những vấn đề của họ với chồng, gia đình và bạn bè… Khiến họ cảm giác bị kỳ thị, cô đơn trong quá trình điều trị, sự sợ hãi ly hôn và quá trình điều trị không thể đoán trước là những yếu tố quan trọng dẫn đến trầm cảm ở nhóm phụ nữ này.

Trầm cảm và vô sinh là hai khía cạnh bệnh lý ở hai chuyên ngành dường như ít có sự liên quan. Nhưng chúng ta lại nhận thấy rằng người vô sinh hiếm muộn có tỷ lệ cao mắc trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể là yếu tố gây tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.

Các yếu tố tác động từ trầm cảm làm tăng nguy cơ hiếm muộn

Căng thẳng stress kéo dài: người bị trầm cảm luôn sống trong căng thẳng tâm trí suốt một thời gian dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh dục, làm thay đổi nội tiết tố của cơ thể, gây ra hàng loạt các vấn đề như rối loạn rụng trứng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn xuất tinh và giảm khả năng thụ thai.

Lạm dụng chất kích thích: hầu hết những người bị trầm cảm đều có xu hướng lạm dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, các chất kích thích khác để giải tỏa trạng thái tiêu cực, tuyệt vọng của bản thân. Nhưng việc lạm dụng này trong thời gian dài sẽ gây suy giảm ham muốn, rối loạn chức năng tình dục ở cả nam và nữ giới.

Rối loạn giấc ngủ: trầm cảm thường khiến cho người bệnh khó ngủ, mất ngủ, thức khuya cả đêm và ngủ vào ban ngày. Lâu dần sẽ rối loạn hormone thức ngủ melatonin và cortisol dẫn đến làm giảm khả năng giải phóng hormone sinh sản cần thiết ở cả nam và nữ giới.

– Các thuốc điều trị trầm cảm: ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin có tác dụng làm nâng cao mức serotonin trong cơ thể. Khi bệnh nhân trầm cảm sử dụng sẽ cảm thấy bình tĩnh và ít lo lắng hơn. Nhưng trạng thái này có thể sẽ làm giảm ham muốn, ngăn ngừa các hormone khiến cơ thể đáp ứng với tình dục trong việc truyền tải thông điệp đến não bộ.

– Chế độ sống thiếu khoa học: nhịp sống thiếu khoa học, bị xáo trộn khiến cho chất lượng trứng và tinh trùng giảm sút dễ dẫn đến tình trạng vô sinh.

Vô sinh hiếm muộn gây trầm cảm

Để đánh giá chính xác mức độ trầm cảm của phụ nữ là một vấn đề lớn vì nó khá nhạy cảm và hiếm khi họ đồng ý chia sẻ về vấn đề này. Một số tài liệu cho thấy ở phụ nữ điều trị IVF có tỷ lệ trầm cảm tương đối cao dao động từ 10,9% đến 44,3 % liên quan đến nhiều yếu tố như tuổi, tiền sử thất bại, thời gian mong con, thời gian điều trị hỗ trợ sinh sản, nghề nghiệp…Việc tìm hiểu các yếu tố liên quan đến trầm cảm ở bệnh nhân hiếm muộn là rất cần thiết giúp dự báo, tiên lượng và hỗ trợ điều trị.

Các yếu tố hình thành mối tương quan chặt chẽ giữa vô sinh hiếm muộn và trầm cảm như:

Áp lực từ việc sinh nở: Khi không sinh nở được người phụ nữ thường bị lời nói của những người xung quanh, họ hàng hai bên gia đình thúc giục dẫn đến tâm lý áp lực, tiêu cực, mệt mỏi và tuyệt vọng.

Ảnh hưởng từ các loại thuốc: Các loại thuốc trong điều trị vô sinh thường làm thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến tâm trí, tinh thần của người bệnh. Đồng thời cũng có thể gây nên cáu gắt, kích động kết hợp với áp lực trong cuộc sống dẫn đến dễ bị trầm cảm.

Kết quả điều trị: trầm cảm và bệnh vô sinh hiếm muộn đều không phải là những căn bệnh dễ dàng điều trị. Đặc biệt những gia đình mắc vô sinh hiếm muộn có thể phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để tìm kiếm tia hy vọng nhưng hành trình này cũng vô cùng gian nan. Việc có những kết quả thăm khám không khả quan, đã thử nhiều lần nhưng đều chưa có tiến triển tốt cũng khiến cho rất nhiều cặp vợ chồng cảm thấy áp lực và dễ rơi vào trầm cảm hơn.

Vấn đề tài chính: Mỗi chu kì điều trị thường tốn kém trung bình từ 80-100 triệu nếu thành công ngay lần đầu tiên. Thậm chí có nhiều anh chị chi đến vài trăm triệu đến vài tỷ để có thể có con. Vì vậy không phải gia đình nào cũng đủ tài chính để điều trị thậm chí họ còn phải vay mượn khắp nơi. Áp lực tài chính cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều gia đình rơi vào tuyệt vọng.

Vô sinh hiếm muộn đang là điểm nóng của ngành y tế hiện nay bên cạnh đó nó còn là một mối đe dọa và khả năng tạo nên các tác động tiềm ẩn tiêu cực về mặt tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần. Hiểu và có hướng phòng tránh các vấn đề về trầm cảm từ sớm sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần, sức khỏe mỗi người và đặc biệt với các trường hợp bệnh nhân vô sinh hiếm muộn.