Viêm vùng chậu (PID – pelvic inflammatory disease) là một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Đây là một bệnh lý thường gặp do vi khuẩn xâm nhập qua đường sinh dục và có thể gây viêm và tổn thương ống dẫn trứng, tử cung và buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm vùng chậu có thể đưa đến các hậu quả lâu dài cho chức năng sinh sản ở nữ giới, đặc biệt là vô sinh. Bài viết sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu “viêm vùng chậu” là gì? Các tác động của nó đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ và cách phòng ngừa hiệu quả.
Nguyên nhân gây viêm vùng chậu là gì?
- Phần lớn các trường hợp PID xuất phát từ vi khuẩn được truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Hai vi khuẩn phổ biến gây viêm vùng chậu là Chlamydia (Chlamydia trachomatis) và bệnh Lậu (Neisseria gonorrhoeae). Triệu chứng khi nhiễm hai vi khuẩn này thường khó xác định và đôi khi không có triệu chứng. Chúng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển thành viêm vùng chậu.
- Nhiễm trùng từ các vi khuẩn thông thường: Ngoài vi khuẩn được truyền qua quan hệ tình dục, một số vi khuẩn thông thường có thể xâm nhập vào vùng chậu thông qua đường hô hấp trên hoặc đường tiết niệu. Sự tiếp xúc với vi E. coli và Streptococcus qua việc không đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt hoặc việc sử dụng các vật dụng cá nhân không sạch cũng có thể gây viêm vùng chậu.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu, vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm trùng có thể dễ dàng xâm nhập và gây viêm vùng chậu.
- Tác động từ các bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác như viêm nhiễm âm đạo, viêm niệu đạo, viêm tử cung hoặc vi khuẩn từ nhiễm trùng hô hấp có thể lan rộng và gây viêm vùng chậu.

Các triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu
Phần lớn phụ nữ mắc viêm vùng chậu thường chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Chính vì thế nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng khi bác sĩ thăm khám lại không thể phát hiện qua các dấu hiệu lâm sàng. Sau đây là các triệu chứng phổ biến của viêm vùng chậu có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Đau ở bụng dưới hoặc xương chậu: Đây là triệu chứng phổ biến của PID. Đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, và thậm chí lan ra xương chậu từ mức độ nhẹ đến nặng.
- Đau khi quan hệ tình dục: PID có thể gây ra đau và khó chịu trong quá trình quan hệ tình dục. Điều này có thể do vi khuẩn gây viêm tạo ra sự kích ứng và làm tổn thương các bộ phận trong vùng chậu.
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, rong kinh và thống kinh có thể là những triệu chứng của PID.
- Tiểu buốt và tiểu đau: Một số phụ nữ bị viêm vùng chậu có thể trải qua cảm giác tiểu buốt và tiểu đau. Đây là do vi khuẩn từ viêm lan rộng vào đường tiết niệu và gây viêm nhiễm.
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Một trong những dấu hiệu quan trọng của PID là sự xuất hiện của mủ, khí hư từ âm đạo. Mủ và khí hư có thể có màu và mùi khác thường kèm theo cảm giác đau hoặc ngứa.
- Khối u hoặc sưng trong vùng chậu: Trong một số trường hợp nặng, PID có thể dẫn đến sự hình thành các khối u hoặc sưng trong vùng chậu.
- Ngoài ra nôn ói và sốt cũng là những dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý viêm vùng chậu.

Bệnh viêm vùng chậu ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như thế nào?
Viêm vùng chậu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản theo nhiều cách:
- Tổn thương ống dẫn trứng: PID có thể gây viêm và sẹo ở ống dẫn trứng dẫn đến tắc ống dẫn trứng, có thể ngăn trứng gặp tinh trùng và cũng có thể cản trở phôi di chuyển đến tử cung để làm tổ.

- Tăng nguy cơ mang Thai ngoài tử cung :Nếu ống dẫn trứng bị tổn thương, phôi sau khi thụ tinh không di chuyển vào được tới tử cung và làm tổ ngày tại ống dẫn trứng. Điều này có thể gây ra thai ngoài tử cung có thể dọa tính mạng của người mẹ.

- Nhiễm trùng trong thai kỳ: Phụ nữ bị viêm vùng chậu trong thời gian mang thai có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng nhiễm trùng tử cung (endometritis). Điều này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
- Hiếm muộn: Tình trạng viêm vùng chậu không được điều trị có gây ra tổn thương vĩnh viễn cơ quan sinh sản thể làm giảm khả năng thụ tinh và cản trở phôi làm tổ tại tử cung, gây vô sinh hiếm muộn.
Cách phòng ngừa viêm vùng chậu
- Có thể ngăn ngừa PID bằng cách thực hành tình dục an toàn, bao gồm sử dụng bao cao su, điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng từ truyền qua và giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Thực hành giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt: giữ cho bộ phận sinh dục của bạn sạch sẽ và khô ráo có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có thể gây ra PID. Tránh sử dụng dung dịch vệ sinh mạnh hoặc thụt rửa, vì điều này có thể phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Điều trị kịp thời: Nếu bạn có các triệu chứng của PID, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Việc sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng vi khuẩn theo chỉ định là cách hiệu quả để loại bỏ vi khuẩn gây viêm và có thể phục hồi hoàn toàn chức năng các cơ quan sinh sản. Hiện nay sử dụng kháng sinh uống là phương pháp điều trị PID phổ biến nhất. Đôi khi bác sĩ có thể sử dụng đường tiêm tĩnh mạch để điều trị những trường hợp cấp tính hoặc nhập viện điều trị nếu cả kháng sinh đường uống và đường tiêm đều không hiệu quả. Một số trường hợp khác, phẫu thuật có thể sẽ được bác sĩ chỉ định để điều trị áp xe hoặc sự viêm dính vùng chậu gây đau nhiều cho bệnh nhân. Và trường hợp nhiễm trùng cấp tính có thể phải cắt bỏ tử cung.
Tóm lại, viêm vùng chậu là một bệnh lý nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, với sự nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, chúng ta có thể giảm nguy cơ và bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách hiệu quả. IVFMD luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn các anh chị về các vấn đề về sức khỏe sinh sản liên quan đến bệnh lý Viêm vùng chậu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ các anh chị vui lòng để lại thông tin để được chúng tôi hỗ trợ sớm nhất.